Không chỉ là đất nước có ngành giải trí phổ biến toàn cầu, Hàn Quốc còn là trạm đến của nhiều thương…
Không chỉ là đất nước có ngành giải trí phổ biến toàn cầu, Hàn Quốc còn là trạm đến của nhiều thương hiệu xa xỉ như Chanel, Dior, Gucci,..và con người nơi đây cũng ưu ái điều đó.
Thông qua nhiều chiến dịch phát triển của những thương hiệu thời trang, hình ảnh lẫn ngôi sao đến từ Hàn Quốc được luân phiên xuất hiện thường xuyên. Gần đây nhất là Gucci Cruise 2024 đã được nhà mốt nước Ý tổ chức tại Cung điện Gyeongbokgung ở Seoul, nối gót theo Louis Vuitton và Dior. Buổi trình diễn có sự tham dự của nhiều người nổi tiếng đến từ nhiều nơi, tổ hợp những “Đại diện thương hiệu” xứ Hàn và “Bạn thân Gucci” Sơn Tùng M-TP, đại diện duy nhất đến từ Việt Nam cũng vinh dự có mặt. Những thương hiệu xa xỉ đã tìm đến và tận dụng nguồn năng lực tại Châu Á, phát triển những điều mới mẻ ngay tại địa phận khác xa cái nôi thời trang từ con người đến văn hóa. Câu hỏi được đặt ra rằng: Vì đâu mà đất nước nằm trên lãnh thổ Châu Á lại nhận được sự ưu ái từ các nhà mốt phía trời Tây như vậy?
Có thể nói, cú nhảy vượt bậc của Hàn Quốc trong nền kinh tế đều nhờ vào “một tay” làn sóng Hallyu mang lại. Tuy không phải số một trên thế giới nhưng ngành công nghiệp giải trí của họ lại có sức ảnh hưởng lớn với giới trẻ nói riêng và quốc tế nói chung. Âm nhạc, phim ảnh, thời trang,…là những biểu tượng nổi trội hàng đầu khi nhắc đến tên Hàn Quốc. Được hậu thuẫn và phát triển nhiều nhất là K-Pop với mô hình nhóm nhạc là nhiều, họ kéo được lượng người quan tâm đến đất nước nhờ vào gia điệu bắt tay và những bước nhảy đặc sắc. Lối phim ảnh của Hàn Quốc cũng tạo được danh tiếng không kém khi luôn đánh được vào tâm lý người xem và đi đầu xu hướng từ lâu. Chỉ như thế, Hàn Quốc đã có chỗ đứng vững chắc trong truyền thông đại chúng bằng chính những yếu tố giải trí thiết yếu.
Nói về khía cạnh “giá trị truyền thông”, một người nổi tiếng trung bình tại Hàn đều có khoảng 2 – 3 triệu người theo dõi trên trang mạng xã hội, những celeb có độ nổi tiếng cao hơn còn đạt tới 70 triệu người theo dõi. Đặc biệt, các fan hâm mộ của những ngôi sao rất ưa thích “cheap moment” (diện đồ giống nghệ sĩ), việc một món đồ được bán hết sạch trong tíc tắc chỉ vì được một ngôi sao xứ Hàn sử dụng là điều rất bình thường. Chủ yếu, ngôi sao xứ Hàn có được sự ủng hộ nồng nhiệt hơn và chủ động tạo xu hướng cho người hâm mộ.
Bên cạnh đó, gu thời trang của người Hàn nói chung và các ngôi sao nói riêng cũng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến xu hướng toàn cầu. Vì cần có sự chỉnh chu khi xuất hiện trước công chúng nên đa phần các ngôi sao nổi tiếng thường thể hiện được tài năng khai thác thời trang của họ. Có thể kể đến tên G-Dragon, trưởng nhóm nhạc Big Bang huyền thoại được xem như một biểu tượng thời trang. Bản thân anh còn tự tạo dựng được thương hiệu riêng mang tên Peaceminusone và mang về thành công rất lớn. Chàng trai này là một trong những ví dụ điển hình về nhận thức và khả năng đảm nhận những vai trò trong thời trang của người Hàn. Nhận thấy được tư suy sáng tạo đó, các thương hiệu không thể dậm chân bỏ lỡ.
Nhưng không chỉ những người nổi tiếng mới biến Hàn Quốc thành thị trường tiềm năng cho những thương hiệu xa xỉ. Đầu năm nay, các nhà phân tích đã công bố dữ liệu liên quan đến sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng Hàn Quốc. Theo báo cáo từ CNBC (kênh tin tức tài chính lớn nhất của Mỹ), tổng chi tiêu cho hàng xa xỉ cá nhân của người Hàn Quốc đã tăng 24% lên 16,8 tỷ USD. Không chỉ những người ở tầng lớp thượng lưu, các cá nhân khác tại Hàn cũng chi tiêu hết mức có thể cho những món đồ xa xỉ. Nhu cầu này xảy ra cũng vì những tác động cộng đồng, xu hướng thời trang và thể hiện đẳng cấp. Và vì những yếu tố trên, không có gì ngạc nhiên khi các thương hiệu muốn tận dụng người tiêu dùng ở thị trường này.
Một sự thật không thể phủ nhận rằng sự hiểu biết của những thương hiệu tại trời Âu với truyền thông Châu Á quá chuẩn chỉnh. Họ luôn biết nắm bắt đúng thời cơ và chọn những “Đại diện thương hiệu” chất lượng, khiến cho netizen phải bất ngờ hết lần này đến lần khác.
Hiện tượng Squid Game (Trò chơi con mực) của Netflix đã mang một lượng lớn người hâm mộ toàn cầu đến với nền giải trí Hàn Quốc. Kể từ đó, những ngôi sao như Lee Jung-jae và Jung Ho-yeon (các diễn viên trong phim) tiếp tục ghi dấu ấn với tư cách là đại sứ cho hai trong số những hãng thời trang xa xỉ mạnh nhất châu Âu lần lượt là Gucci và Louis Vuitton. Vai trò đại sứ của họ là vì hướng tới việc công chúng toàn cầu đang dành sự yêu mến các mảng giải trí của Hàn, song, tài năng mà những ngôi sao này có cũng rất xứng đáng. Các thương hiệu muốn liên kết mình với những nghệ sĩ đã chiếm được lòng yêu thích, cũng như lượng người hâm mộ và phạm vi tiếp cận khán giả ngày càng tăng của họ.
Trong vài năm qua, những thương hiệu xa xỉ cũng tổ chức những buổi trình diễn thời trang lớn ở Hàn do sự “giàu có” ngày càng tăng cũng như ảnh hưởng văn hóa trên thị trường. Gần đây, Louis Vuitton và Gucci đã nối gót Chanel ‘s Resort 2016 và Dior ‘s FW22, trở thành một cái tên tiếp theo trong danh sách “sẽ còn tăng” của các thương hiệu xa xỉ đến trình diễn tại Hàn Quốc. Với Chanel Resort 2016, Karl Lagerfeld là một trong những người đầu tiên nhận ra các yếu tố đặc biệt của Hàn và mang những yếu tố văn hóa đặc trưng của họ vào trong bộ sưu tập. Các buổi trình diễn gần đây nhất của Louis Vuitton và Gucci cũng bày tỏ lòng tôn kính đối với văn hóa Hàn Quốc, tìm hiểu những thông tin liên quan và phù hợp để tôn vinh truyền thống của đất nước, đồng thời làm nổi bật bản sắc địa phương trong mọi khía cạnh sản xuất. Ngoài ra, các thương hiệu xa xỉ khác như Chanel, Valentino và Bottega Veneta cũng đã đi theo con đường đại sứ, mời các thành viên của các nhóm nhạc K-pop lớn nhất thế giới từ BTS đến BLACKPINK, làm “Đại sứ thương hiệu” chính cho họ.
Trong khi không thể phủ nhận thời trang xa xỉ của phương Tây bị ảnh hưởng bởi làn sóng Hàn Quốc, thì ảnh hưởng văn hóa của quốc gia này không chỉ ở thời trang xa xỉ mà còn mở rộng sang nhiều mảng khác. Jungkook của BTS và Jennie của BLACKPINK mở rộng danh mục đại sứ của họ, cả hai đều trở thành gương mặt đại diện cho các thương hiệu bình dân như Calvin Klein, cả hai cùng nhau “bán hết sạch” đồ. Ảnh hưởng của Hàn Quốc còn được nhìn thấy trên các ngành công nghiệp khác như làm đẹp và thậm chí cả giải trí Hollywood. Với nhan sắc xinh đẹp, các siêu sao Hàn Quốc như Lisa và Han Sohee đã lần lượt đảm nhận vai trò đại sứ cho các thương hiệu thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, trong đó có MAC và Charlotte Tilbury. Mới đây, Jennie cũng được chọn tham gia series A24 rất được mong đợi The Idol thuộc series phim của nam ca sĩ The Weeknd. Không còn nghi ngờ gì nữa, mức độ ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc vượt xa thời trang, định danh trong tất cả các ngành công nghiệp trên tất cả các tầng lớp.
Sự tin tưởng ngày càng tăng từ những người có ảnh hưởng Hàn Quốc đóng vai trò chính trong việc định hình thời trang phương Tây, đồng thời mở rộng phạm vi tiếp cận của các thương hiệu di sản, chứng tỏ rằng thành công toàn cầu chỉ có thể được thúc đẩy bởi sự đa dạng. Với sự phát triển của văn hóa Hàn Quốc và sức mạnh của cộng đồng người hâm mộ K-pop, tương lai của làn sóng Hallyu là ở đây và không nên bị bỏ qua. Sự bùng nổ hiện nay của nền kinh tế Hàn Quốc càng chứng minh rằng làn sóng này không chỉ là mốt nhất thời mà còn là một phần quan trọng trong quá trình phát triển của ngành trong việc đan xen văn hóa đại chúng châu Á và các thương hiệu cao cấp phương Tây.
Hơn bao giờ hết, sự tập trung rõ ràng của các thương hiệu xa xỉ vào thị trường Hàn Quốc đã chứng tỏ rằng thời trang và các ngành công nghiệp khác luôn kết hợp không ngừng bằng sự phát triển của ảnh hưởng xã hội và văn hóa. Khi Hàn Quốc tiếp tục phát triển về sức mạnh kinh tế, họ đã cố gắng mở rộng các hạn chế về thương hiệu, phá vỡ các rào cản văn hóa mà giờ đây các thương hiệu phương Tây truyền thống đã được trộn lẫn với văn hóa truyền thống của Hàn Quốc. Sự hội tụ của các động lực này tiếp tục xác định rằng thời trang có thể tổng hợp các thế giới vô cùng khác biệt và ngành công nghiệp này ngày càng trở nên toàn cầu hóa hơn.
Khi Làn sóng Hàn Quốc tiếp tục tác động đến nhiều nơi trên thế giới, các thương hiệu xa xỉ sẽ duy trì trục địa lý của họ sang Châu Á, ngầm thừa nhận rằng những gì từng được coi là xu hướng giờ đã chuyển sang trở thành một phong trào.