Bên cạnh 4000 tác phẩm, 285 phòng trưng bày từ 36 quốc gia, 21 gương mặt mới, Đông Nam Á có 1 từ Singapore, Art Basel năm nay còn được ghi nhận bởi nhiều thay đổi.
Art Basel ở Basel Thụy Sĩ luôn có một sức hấp dẫn nhất định mà chỉ có những nhà sưu tầm, chuyên gia lâu năm mới hiểu được. Không có sự kiện thương mại nghệ thuật nào có thể tụ tập quy mô mà giá trị trao đổi vượt qua mọi sức tưởng tượng của bạn. Sự náo nhiệt ngay từ ngày đầu tiên của buổi xem VIP cùng với những tác phẩm tốt nhất bên cạnh champagne và các buổi tiệc chiêu đãi ở những địa điểm ít ai nghĩ đến ví dụ như nhà thờ chẳng hạn. Bên cạnh 4000 tác phẩm, 285 phòng trưng bày từ 36 quốc gia, 21 gương mặt mới, Đông Nam Á có 1 từ Singapore, Art Basel năm nay còn được ghi nhận bởi nhiều thay đổi.
2 thay đổi lớn nhất của năm là việc trở lại của các nhà sưu tập Trung Quốc sau 3 năm và một giám đốc điều hành hoàn toàn mới, cựu binh Art Basel, Noah Horowitz, người đã thay thế Marc Spiegler vào cuối năm ngoái. Mọi sự chuyển giao đều cần có thời gian và năm nay con số doanh thu không phải là điều kiện đánh giá quan trọng bậc nhất.
Nhìn chung, Art Basel là chiếc cầu nối lớn nhất của thị trường. Mặc dù các nhà đấu giá vẫn hoạt động chăm chỉ, nhưng các nhà sưu tập vào năm 2023 đã thận trọng hơn một chút về tác phẩm nghệ thuật mà họ mua, phần lớn là do khối lượng tác phẩm khổng lồ đã được rao bán trong 12 tháng qua. Nhưng như các nhà sưu tập đều ngầm hiểu, kể cả khi các công cụ xem online có phát triển cỡ nào thì mọi nhà giới đều nắm giữ tác phẩm tốt nhất cho Art Basel ở Thụy Sĩ và những người mua đều có nhu cầu được xem tận mắt tác phẩm vật lí, màu sắc, chất liệu thứ mà nghệ thuật qua màn hình kỹ thuật số đã gần như được báo tử.
Sự trở lại của tất cả các tập khách hàng đồng nghĩa với việc phải đem ra mọi thứ tốt nhất, thông qua bằng chứng việc không có quá nhiều biến động ở các kỳ đấu giá mùa xuân vừa rồi. Bước vào tham quan ngay từ tầng 1, các phòng trưng cao cấp quốc tế hàng đầu tại Art Basel năm nay có hàng loạt tác phẩm cấp săn đón được ký gửi từ các bộ sưu tập tư nhân. Sự hiện diện của chúng cho thấy một số nhà sưu tập giàu có đang nghĩ đến các chiến lược khác nhau.
Phòng trưng bày Nahmad không ngần ngại tung ra các tác phẩm của Picasso đầu tay hay thứ cấp cho dịp này. Dạo vòng quanh các phòng trưng bày bên cạnh như Van de Weghe đem ra những bức Basquiat, Picasso và Andy Warhol. Phòng trưng bày Acquavella, chơi lớn khi đã mang đến một bức tranh Rothko màu cam tinh xảo trước đây nằm trong bộ sưu tập của Paul Mellon và được nhà sưu tập lớn Steve Wynn ký gửi với giá chào bán là 60 triệu đô la (lần cuối cùng nó được bán công khai vào năm 2014 với giá 36,6 triệu đô la), mức giá gần như kỷ lục cho một kỳ hội chợ. David Zwirner ở gần đấy cũng không kém cạnh khi tung át chủ bài Yayoi Kusama sau 1 năm bùng nổ trên thế giới của vị nghệ sĩ người Nhật, Yayoi Kusama nằm chiễm chệ giữa khu và cũng thu về nhiều kết quả tốt với 1 tác phẩm của Alice Neel, 2,8 triệu, một bức vẽ của Elizabeth Peyton giá 1 triệu.
Đi xa hơn vào các khu phía, các gallery tiêu biểu khác của châu Âu, mang đến sự hòa trộn cân xứng giữa hiện đại và đương đại. White Cube của Anh mang đến các bức tranh mới cỡ lớn của Georg Baselitz, Anselm Kiefer các danh họa Đức đã tìm được chủ mới với giá tầm 1 triệu đô cùng với chiếc vali Rimowa chứa tác phẩm của nghệ sĩ gốc Việt, Danh Võ. Hauser & Wirth vẫn luôn nhanh nhạy và mạnh mẽ khi ra sân chơi lớn này khi tiếp tục bán ra một con nhện bé của Louise Bourgeois với giá 22,5 triệu đô, một bức George Condo ở mức 5,5 triệu đô và Philip Guston với 9,5 triệu đô. Pace nổi bật với một điêu khắc mới của Jeff Koons và thực hiện được các cuộc giao dịch cực tốt với 1 bức Joan Mitchell lên đến 14 triệu, bên cạnh đó là 2 điêu khắc của Calder ở các mức giá 2,5 và 1,5 triệu đô. Và không thể không nhắc đến gian của Spurth Margers, khi họ bung hết lực đương đại để lại ấn tượng vô cùng mạnh với sắp đặt xe moto của Anne Imhof ra đi với giá 150 ngàn euro, cùng với các tên khác đầy chất Đức như Sylvie Fleury, Thea Djordjadze và Thomas Ruff.
Sự nhộn nhịp của các tác phẩm thời hiện đại thứ cấp dễ làm người ta choáng ngợp. Dĩ nhiên đối với thị trường Việt Nam đây không phải là nơi để tìm thấy các tác phẩm của các cụ “Đông Dương” khi thực tế các tác phẩm này không nằm trong nhu cầu của các nhà sưu tập quốc tế ngoài người Việt. Dù cho tầng 1 là nơi hội tụ của những cái tên “chắc cốp” của nghệ thuật hiện đại nhưng vẫn len lỏi một số cái tên gốc việt như anh Lê Quang Đỉnh, Mai-Thu Perret, được vinh danh ở Unlimited năm nay và Danh Võ dành cho nghệ thuật đương đại.
Khác với mọi năm, bên cạnh khu vực Statement dành cho các nghệ sĩ triển vọng, Feature tri ân các nghệ sĩ có thâm niên và đóng góp vào lịch sử nghệ thuật thì có Kabinett, dành cho các phòng trưng bày mới lần đầu tham gia với các tác phẩm được giới thiệu cùng chủ đề và giám tuyển kỹ càng. Với việc thêm khu vực mới này, khách tham quan khi dạo quanh sẽ dễ dàng theo dõi hơn và tránh các sự lập lại nhàm chán của các tên tuổi quá nổi. Ở tầng 2 dành cho nghệ thuật đương đại mới hơn cùng giá thành dễ chịu hơn, người ta dễ dàng nhìn thấy được điều này. Với không gian rộng và thoáng hơn, các phòng trưng bày không ngại bước ra vùng an toàn khi đem đến nhiều màu sắc, kích thước lớn hơn và chất liệu đa dạng hơn. Điều này cũng đồng nghĩa các nhà sưu tập cũng phải mạo hiểm hơn khi quyết định chọn tác phẩm đem về cho mình.
Rất nhiều cái tên lớn với độ phủ sóng toàn cầu tọa lạc ở tầng trên năm nay đem đến không gian trưng bày các tác phẩm đa dạng, bắt mắt và tạo cảm giác như một unlimted thu nhỏ. Perrotin mang đến các tác phẩm mới pha trộn cả đông tây với các tác phẩm mới của Takashi Murakami, Chen Fei bên cạnh sắp đặt của Elmgreen và Dragset, bán với giá 400 ngàn euro bên cạnh Daniel Arsham. Blum & Poe chốt hạ chiếc điêu khắc cỡ lớn phong cách thương hiệu của Yoshimoto Nara giá 550 ngàn cùng các cái tên như Ha Chong-Hyun, Friedrich Kunath, Lauren Quin,… Phòng trưng bày nổi tiếng của Ý Continua tìm được nhà sưu tập cho Anish Kapoor với giá 775 ngàn bảng, Carlos Cruz-Diez, 940 ngàn đôla,…
Như đã nói trên Art Basel năm nay cũng phải chịu ảnh hưởng của nhiều biến cố kinh tế vừa qua như việc các ngân hàng đầu tư vỡ nợ, chiến tranh và lạm phát. Sau cuối năm đầy kỷ lục về giá bán ở các nhà đấu giá vượt qua con số 1,5 tỷ đô cho bộ sưu tập của Paul Allen, giờ đây có lẽ sẽ mất tầm 5 đến 7 năm để có thể chứng kiến những kỷ lục mới.
Các nhà sưu tập buộc phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng và ưu tiên tập trung vào việc phục hồi và ổn định sổ sách. Hiểu được điều này, CEO mới Noah Horowitz, nhấn mạnh ông muốn đẩy Art Basel lên thành một thương hiệu không chỉ để người ta đến tham quan nghệ thuật mà còn các trải nghiệm giải trí đơn thuần khác cùng với việc phát triển theo dạng các “pop up” theo mô hình đua xe công thức 1.
Vào thời điểm mà những cơn gió ngược kinh tế đang thổi qua thế giới nghệ thuật và nhiều người lo sợ thị trường sẽ điều chỉnh, thì việc củng cố thay vì mở rộng dường như là ưu tiên của Art Basel. Vào tháng 1, tập đoàn MCH sở hữu Art Basel, đã thông báo rằng họ sẽ không tổ chức hội chợ Masterpiece ở London vào cuối tháng 6 nữa, với lý do chi phí gia tăng và số lượng nhà triển lãm quốc tế giảm.
Ở Đông Á, khu vực tăng trưởng chính của thị trường nghệ thuật quốc tế, MCH gần đây đã phát triển mối quan hệ với các sự kiện pop up, đầu tư có cân nhắc vào hội chợ Art SG, ở Singapore và cung cấp dịch vụ tư vấn cho S.E.A. Focus và Art Week Tokyo. Những động thái này là cách phòng ngừa rủi ro của MCH đối với các điều kiện giao dịch đang xấu đi ở Hồng Kông, nơi có rất nhiều nhà đấu giá và phòng trưng bày hàng đầu của phương Tây đã thành lập chi nhánh và là nơi tổ chức hội chợ Art Basel bên cạnh các biến động chính trị. Năm ngoái, đối thủ chính của Art Basel, Frieze, thuộc sở hữu của tập đoàn giải trí Endeavour có trụ sở tại California, đã mở một hội chợ thương hiệu ở Seoul với tham vọng biến Hàn Quốc thành, thị trường cạnh tranh mới mạnh mẽ hơn.
Một nhà trưng bày tiên phong mang tính bước ngoặt thay đổi cơ cấu trong kỳ này là Perrotin. Trước khi Art Basel diễn ra, nhà môi giới người Pháp ra thông báo bán 60% cổ phần cho tập đoàn đầu tư bất động sản Pháp, Colony IM. Việc hợp tác này mở ra chu kỳ mới cho việc đầu tư nghệ thuật toàn cầu không chỉ riêng cho cá nhân đơn lẻ mà mở rộng ra cho doanh nghiệp đặc biệt là vào các khu phức hợp mới ở các đô thị mới trong tương lai. Perrotin vốn đã là cái tên hàng đầu của nghệ thuật đương đại nhưng ông cũng không ngần ngại mạo hiểm và luôn làm mới mình để đem lại điều kiện phát triển tốt nhất cho các nghệ sĩ của mình. Mặt khác đây cũng là nước đi phòng vệ trong những năm tiếp theo khi dự luật thông qua mức thuế nghệ thuật mới ở châu Âu lên đến 20% thay vì 5,5% ở Pháp như trước đây. Việc này sẽ ngăn cản các nhà sưu tập thực hiện việc giao dịch trực tiếp và các nhà môi giới sẽ phải tìm những cách khác để có thể đưa nghệ thuật tiếp cận các tập khách hàng mới.
Ngoài ra tại Art Basel năm nay hầu như rất ít có sự xuất hiện của các tác phẩm kỹ thuật số và nft hầu như hoàn toàn biến mất với việc sụt giá thê thảm của thị trường crypto. Điều này hầu như đã được dự báo trước khi biến động và sự đầu cơ không thể kiểm soát của các loại hình đầu tư rủi ro ẩn nấp dưới danh nghĩa nghệ thuật. Tranh vẽ AI cũng không có chỗ đứng, hiếm hoi nhất ở Jeffrey Deitch bày bán các phiên bản cảnh vật AI của Refik Anadol. Dễ dàng nhận thấy rằng các nhà sưu tập vẫn mong muốn sở hữu những tác phẩm vật lí đa dạng chất liệu, kích cỡ, màu sắc tự nhiên hơn là tốn tiền điện để cắm chạy màn hình cả buổi.
Sức mua hậu covid vẫn chưa hồi phục nhưng mong muốn nhưng điều đó không làm giảm sức hấp dẫn bền bỉ của nghệ thuật. Các tác phẩm nghệ thuật hầu như miễn nhiễm với tình hình thế giới, thậm chí còn tăng lên do lạm phát và là tài sản duy nhất không bị tụt giá nặng nề so với các ngành hàng khác từ cuối năm ngoái đến nay. Ngành nghệ thuật sắp tới sẽ chuyển hướng sang tập trung vào các trải nghiệm cầu nối với các trải nghiệm khác như âm nhạc, thời trang, điện ảnh thậm chí bất động sản để có lan rộng hơn tới nhiều cộng đồng khác nữa. Nhưng chắc chắn rằng các nhà sưu tập vẫn có thể bắt đầu mua nghệ sĩ trẻ để có thể đón đầu trong thời gian bình ổn trở lại.
Text: Art Advisor Tam Tam