Nếu bạn vẫn chưa tin những món đồ tưởng chừng chỉ dành cho con nít lại được người lớn ưa chuộng hơn bao giờ hết, có lẽ hashtag #arttoy với 309 triệu lượt xem trên TikTok sẽ thuyết phục bạn.
Một ngày Hirono sẽ xuất hiện, không phải trên kệ trưng bày tại một trung tâm thương mại nào đó, mà như bao sản phẩm khác, tại For You Page của bạn. Cậu bé “hờn cả thế giới” này là thành quả kết hợp giữa nghệ sĩ Lang đến từ Bắc Kinh và thương hiệu đồ chơi Pop Mart, cái tên đứng đằng sau nhiều dòng đồ chơi phổ biến như Skullpanda, Dimoo, Snoopy… Và nếu bạn vẫn chưa tin những món đồ tưởng chừng chỉ dành cho con nít lại được người lớn ưa chuộng hơn bao giờ hết, có lẽ hashtag #arttoy với 309 triệu lượt xem trên TikTok sẽ thuyết phục bạn.
Khi nhắc đến art toy, hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong tâm trí người viết không thể là ai khác ngoài Brian Donnelly, hay còn được biết đến với nghệ danh KAWS. Dòng đồ chơi KAWS được cấu thành bởi nhiều phiên bản của COMPANION, hay “Bạn đồng hành” mà anh sáng tạo từ cuối những năm 90. Nhân vật này được sản xuất lần đầu vào năm 1999, sau khi KAWS có dịp đến Nhật, chứng kiến một thị trường đồ chơi sôi nổi để rồi đồng ý hợp tác với một thương hiệu sản xuất đồ chơi và streetwear Nhật.
Lúc bấy giờ, KAWS chỉ sản xuất vỏn vẹn 500 nhân vật, và hết hàng ngay lập tức. Từ đó đến nay, “Bạn đồng hành” đã đem lại cho nghệ sĩ lượng người hâm mộ lớn và cả giá trị tài chính đáng kinh ngạc. Theo sàn đấu giá Christie’s, đồ chơi của KAWS được bán với đa dạng mức giá, từ 15 USD (khoảng 300 ngàn VND) đến 2.4 triệu USD (khoảng 56 tỷ VND). COMPANION trở thành biểu tượng cho nghệ thuật của KAWS, một mô típ lặp đi lặp tại trong hầu hết tác phẩm, trong đó có cả một phiên bản phao nổi dài 35 mét, được trưng bày tại cảng Victoria, Hong Kong năm 2019.
Đồ chơi của KAWS là chất xúc tác cho danh tiếng ngày càng rộng mở của nghệ sĩ, mang ảnh hưởng lớn đến mức vào năm 2019, một thuật ngữ mới được hình thành để miêu tả sự khao khát vô độ của thế giới nghệ thuật dành cho các tác phẩm bằng nhựa vinyl của anh. Khi KAWSmania lan rộng, hàng loạt các thương hiệu và nghệ sĩ khác bắt đầu mon theo con đường thành công ấy. Tức là, những món đồ từng bị đánh giá “chỉ dành cho con nít,” nay được nâng tầm thành nghệ thuật.
Đến này vẫn có nhiều luồng ý kiến đa chiều trước nghi ngờ: Có gì nghệ thuật ở món đồ chơi con nít?
Bạn có thể bắt đầu đánh giá bằng cách xem xét thiết kế và ý tưởng đằng sau một món đồ chơi. Chúng không chỉ là những phiên bản sao chép dễ thương của một nhân vật đã tồn tại từ trước, mà thay vào đó, trong nhiều trường hợp, thể hiện tính cách và bản lĩnh của bàn tay đã tạo nên nó. Đó chính là nguồn gốc giá trị của một vật phẩm sưu tầm.
Quả thật thiết kế của art toy phần lớn dựa trên những nhân vật vốn nhắm đến trẻ nhỏ, nhưng không vì vậy mà ảnh hưởng của chúng bị giảm sút. Trong trường hợp này, art toy đã tạo nên một thị trường đa dạng và rộng mở, không phải nơi mua đồ chơi để “chơi”, mà là tuyên ngôn về thẩm mỹ, đam mê và sở thích của một người. Ta cũng không cần phải nghĩ đến chuyện mọi người mua đồ chơi để làm gì, chỉ cần hiểu rằng cộng đồng sáng tạo vẫn luôn thích thú và hào hứng với thiết kế của art toy.
Paul Budnitz, nhà sáng lập và CEO của công ty giải trí Superplastic, tin rằng tính nghệ thuật của art toy có thể được so sánh với cách streetwear len lỏi vào thế giới thời trang cao cấp: “Tôi nghĩ văn hóa đã theo kịp thời đại rồi. Một phần văn hóa còn ‘mắc kẹt’ với art toy. Nhưng mọi thứ đang đi đúng hướng chúng tôi kỳ vọng, và cũng tương đồng với hướng thực hành của rất nhiều nghệ sĩ.”
Kết hợp “đồ chơi” với “nghệ thuật”, art toy cho phép trẻ em tự biên tự diễn một chuyến phiêu lưu theo ý mình, đồng thời khiến người lớn trân trọng chúng như những tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa, và từ đó bỏ công sức sưu tập. Đến nay, ý tưởng hình thành art toy vẫn nguyên vẹn: Bắt đầu từ một hình tượng con nít sẽ thích, thêm vài điểm nhấn dị biệt để tiếp cận người lớn. Sau đó, giới hạn số lượng sản xuất, tạo nên các phiên bản không phải ai cũng chạm tay vào được.
Thêm vào đó, giải thích về sự phổ biến của KAWS, trưởng phòng kinh doanh tại Phillips, Amanda Lo Iacono cho rằng “điều đó không chỉ đến từ tính phổ quát trong hình ảnh anh ấy tạo ra, mà còn là sự ‘dân chủ’ trong cách tiếp cận nghệ thuật. Anh ấy thực hành với rất nhiều chất liệu, với những đề tài rộng mở và vì thế có thể tiếp cận đến gần như tất cả mọi thành viên trong thế giới hình ảnh.”
Hầu hết mọi cộng đồng sẽ có vật phẩm mang giá trị riêng mà chỉ thành viên của cộng đồng mới hiểu được. Mô hình Pokemon. Thẻ bo góc. Truyện tranh. Đĩa CD… Một số thứ có giá trị tương đương cả một gia tài, một số khác có thể dễ dàng được tìm thấy trong các cửa hàng đồ cũ với giá nửa xu, nhưng tất cả đều chứa đựng ký ức đẹp đẽ, đến nay vẫn còn tồn tại vì ta không thể quên đi, và art toy cùng cộng đồng tồn tại để chứng minh, không thể “move on” không phải là một tội ác.
Bên cạnh những thương hiệu art toy quốc tế cực kỳ phổ biến như KAWS, BE@RBRICK, hay Pop Mart, Hobiverse, tại Việt Nam cũng có những nghệ sĩ trẻ, những hội nhóm bắt đầu thiết kế art toy chỉ đơn giản vì quá thích sưu tầm chúng. Một số cái tên đã gây được nhiều chú ý gồm CƠM HỘP, Wind Bay Studio, Phòng Nhai, The O Room… Quy mô nhỏ, thân thiết và chỉ được sản xuất với một số lượng cực kỳ giới hạn, đúng như tinh thần của art toy từ đó đến nay. Chất lượng thiết kế và tay nghề cao, điều khó khăn duy nhất của những nghệ sĩ này có lẽ là tiếp cận khán giả để duy trì hoạt động dài hạn. Với xu hướng sưu tầm art toy bùng nổ như hiện tại, có lẽ ta có quyền hy vọng đến một ngày những nhân vật art toy sản xuất tại Việt Nam, bởi người Việt và cho người Việt, sẽ nhận được sự chú ý xứng đáng.
Tham khảo: Domestika, Artsy, Maddox Gallery, Artnews
Text: L’Officiel Việt Nam