Cheng Bảo Phương: “Tôi thích ứng mọi thứ như một “tắc kè hoa” thật thụ.”

Chọn cho mình lối sống đa sắc màu và bất quy tắc, Cheng Bảo Phương vẫn “tươm tất” mọi thứ hoàn hảo trong tầm nhìn nghệ thuật. Giữa một thế giới vốn rất chuộng sự theo khuôn phép và trật tự, Cheng Bảo Phương như một nữ tài nhân đã vươn lên với phong cách […]

Chọn cho mình lối sống đa sắc màu và bất quy tắc, Cheng Bảo Phương vẫn “tươm tất” mọi thứ hoàn hảo trong tầm nhìn nghệ thuật.

Giữa một thế giới vốn rất chuộng sự theo khuôn phép và trật tự, Cheng Bảo Phương như một nữ tài nhân đã vươn lên với phong cách nghệ thuật sống bất quy tắc. Phong cách nghệ thuật của Cheng Bảo Phương là sự tự do trong việc thể hiện ý tưởng và khám phá những khả năng đa dạng của không gian sống, khắc họa nên một thế giới thẩm mỹ của riêng mình. Cheng Bảo Phương đã chứng minh rằng nghệ thuật sống không bao giờ bị gò bó bởi những nguyên tắc cứng nhắc, dám mạo hiểm và tạo ra sự đối lập mạnh mẽ giữa các yếu tố, đem đến những góc nhìn mới mẻ và thú vị hơn trong nghệ thuật.

Chị có thường thể hiện tính cách “tắc kè hoa” của mình qua phong cách sống hay những vật trang trí trong nhà hay không?

Thật ra nếu mà nói về “tắc kè hoa”, mỗi lần chị biến đổi đều sẽ có chủ đề, đều có mục đích hết, nhưng mà khả năng nào mình cũng có thể thích ứng. Đó cũng là quan niệm sống của chị. 

Tôi nghĩ rằng việc mình thay đổi cũng sẽ tuỳ thuộc vào môi trường cũng như thời tiết hay cảm xúc của mình khi đó. Vậy thì sự ngẫu hứng ở đây thường bắt nguồn từ đâu, trong tư duy hay ở một giây phút nào đó, ở một kỉ niệm nào đó, đã khiến chị thay đổi?

Thường là tư duy. Khi bắt đầu thay đổi hoặc thiết kế một cái gì, hoặc là chuẩn bị cho một sự thay đổi nào đó, nó cũng đều nằm trong sự tính toán của chị, để khi mình thay đổi, mình vừa cảm thấy nó có ý nghĩa, nó có chủ đề, nó có mục đích.

Trong tất cả mọi việc, khi chị bắt đầu thiết kế một cái nội thất, một cái không gian nào đó, hay ngay cả trong thẩm mĩ, trong nội tại của chị, chị có thường đặt ra những quy tắc căn bản nào hay không?

Thường mọi người sẽ thấy chị ở một sân chơi về màu sắc, có những màu đối lập mà không có ai nghĩ là nó có thể đi chung với nhau nhưng lại thường được chị sử dụng, ví dụ như màu đỏ đô và xanh cổ vịt. Cũng giống như câu chuyện của căn nhà này hay những căn nhà khác mà chị thiết kế cho những khách hàng cũng ưa chuộng màu sắc như chị, chị đều đặt ra những chủ đề. Ví dụ có những căn hộ mà chủ đề nó đánh vào là “peacock”, về con công, thì nó sẽ có những gam màu tím, màu xanh emerald. Ở đây cũng vậy. Em có thể thấy cái nền của nó là màu xanh, thì thực ra màu xanh cũng gắn liền với chị rất nhiều. Chị thiết kế nhà cho chị nhưng vô thức lại thấy cũng có nhiều màu xanh, lúc đó chị mới nhận ra mình khá thích màu xanh. Màu vàng này là một trong những gam màu có thể mang lại cảm giác hoàng gia một chút, màu vàng phải hơi úa chứ không phải là vàng chanh, thì được chị sử dụng để mang lại chất giải trí, sống động ở trong những không gian mà chị biết chắc chắn sẽ phải thay đổi rất nhiều. Những vật phẩm mình đang sài sẽ hướng tới một cái high-end một chút, xa hoa, cảm giác giống như em đã đi du lịch đến những khách sạn 5, 6 sao. Chị muốn đem cái cảm giác đó về với căn hộ này, nên đó là điều chị tính toán từ trước, để những gam màu này có thể phù hợp với những gì mình bài trí trên bàn. Đó là cái cách chị tính toán.

Trong không gian này, có món đồ nào giúp chị lưu lại những kỉ niệm mà mình không thể quên không?

Thật ra nó sẽ nằm ở trong cái hộc tủ kia, là một trong những bộ sưu tập của chị. Đó là những món đồ sứ của Trung Quốc. Chị rất thích bộ sưu tập đó, vì nó mang hoạ tiết của phương Đông, nhưng lại được người phương Tây sưu tầm. Đó là khoảnh khắc mà Đông – Tây giao thoa, thế hệ đó họ bắt đầu chú ý hơn đến màu sắc, nó tươi sáng hơn, với những hoạ tiết sinh hoạt của gia đình thời đó, rồi hoa mẫu đơn, hoa hồng cũng được in trong những hoa văn trên đó. Những hoạ tiết đó được những người phương Tây sưu tầm rất nhiều. Với bộ sưu tập đó, chị sưu tầm cũng hơi lâu, rất là khó. 

Ở những gia đình thượng lưu phương Tây, chị không biết mọi người có biết không, nhưng họ có một trào lưu là lưu lại những cái logo, những cái tên của những người trong gia đình của họ, ví dụ như the Smiths. Thậm chí là khi mà gia công những chiếc đĩa như vậy, họ đã ghi lại những kỉ niệm, những cái họ muốn truyền đạt, để họ có thể lưu lại được tới đời sau, đời con, đời cháu. Chị cũng vậy, khi chị sưu tầm, chị cũng đã nghĩ tới chuyện con gái chị sẽ tiếp tục tận hưởng những sở thích của mẹ nó. Chị cũng hay trao đổi với bé là bé có thích những cái vấn đề này không, thì bé cũng thích. Nhưng mà thời của chị với mẹ chị thì lại không có được cái kết nối đó. Con chị cũng tạo cho chị một cái động lực, để khi mà mình sống, mình hưởng thụ, mình thưởng thức, mình nâng cao giá trị và chất lượng cuộc sống, là mình để lại cho chính con cái của mình, để các bé có một nền tảng ổn định, từ đây phát triển nhanh hơn, không cần mất nhiều thời gian bối rối giữa nhiều phong cách sống hiện nay.

Từ thế hệ của chị cho đến thế hệ của con mình, em đánh giá sự kết nối đó giống như cái tên của Modern Collectible, đó chính là sự sưu tầm hiện đại. Khi nhắc đến việc sưu tầm, mọi người thường nhắc đến những món đồ rất cổ, 100 hay 200 năm, nhưng những cái chị đưa ra chính là những giá trị hiện đại, tư duy của những người hiện đại, thì đó chính là những cái liên quan đến sưu tầm hiện đại. 

Đối với chị, từ phong cách nghệ thuật đến thẩm mỹ của mình đều rất ngẫu hứng, vậy còn phong cách thời trang của chị thì sao?

Phong cách thời trang của chị cũng vậy. Có những show thời trang của các nhà thiết kế là bạn chị, bữa đó chị được giao trách nhiệm là phải lồng lộn, thì cái cách lồng lộn của chị vẫn rất riêng, không phải như các bạn celeb. Đa số chị không có book make up mà sẽ tự trang điểm cho mình. Ban đầu chị cũng hơi lăn tăn mình có đủ tươm tất để tham dự một sự kiện hay không, nhưng chị chợt nhận ra cái cốt lõi của chị vẫn là một người rất classic, chị biết những gì hợp với chị, cho nên chị nghĩ khi mà em hiểu bản thân em rồi, em sẽ rất tự tin trong bất cứ điều gì phục vụ cho chính bản thân em. 

Đối với em, một thương hiệu hay một món đồ yêu thích cũng sẽ thể hiện tính cách của bản thân mình. Vậy có thương hiệu thời trang nào chị hay sử dụng để gặp gỡ mọi người nhiều nhất?

Nếu mà em đã gọi chị là “tắc kè hoa” thì thực ra chị cũng không có thương hiệu nào như vậy, tại vì tất cả những gì trong cuộc sống của chị, từ chén dĩa, túi xách hay bất kể thứ gì, chị không có đặt nặng về vấn đề thương hiệu. Tất nhiên vẫn sẽ có những thương hiệu mà mình không thể phủ nhận về độ tinh xảo, hay cái khao khát để có được nó thì chị vấn có. Tuy nhiên chị muốn trải nghiệm hết, vì có những bạn thiết kế thời trang trẻ cho ra những sản phẩm mà không thể nào không tôn vinh các bạn đó được. Chị thường hay trải nghiệm những sản phẩm mới, kể cả những bộ sưu tập tableware của chị. Có những cái nó không mắc, nhưng em sẽ không bao giờ có thể tìm lại được bộ sưu tập đó nữa. Bởi vậy chị mới nói nó mang một cái giá trị rất riêng của chị, về những hoạ tiết, rồi đúng cái màu xanh đó. Vì chị là người chơi màu, vậy nên chỉ cần lệch một chút thôi là nó đã không nằm trong mắt chị rồi, mà cái gì nằm trong mắt chị rồi thì chị phải có. Vậy cho nên chị không cố định ở một thương hiệu nào đó, và chị rất sẵn lòng ghi nhận những thiết kế mới, cho nên chị rất mở lòng với chuyện trải nghiệm những điều mới mẻ. Chị nghĩ việc cố định với thương hiệu sẽ hạn chế mình làm điều đó.

Như mọi người nhắc đến cái thẩm mĩ của chị Cheng Bảo Phương, đó là “tắc kè hoa”, là sự đa dạng, bất quy tắc nhưng có quy tắc. Ngay cả trong phong cách thời trang, thật ra điểm làm em nhớ đế chị nhiều nhất là phụ kiện. Như em để ý, chị có những cái nón rất đặc biệt đi dạ tiệc hay những cái nón rộng vành để đi chơi. Vậy thì em nghĩ chắc hẳn món phụ kiện là nón cũng sẽ rất hữu ích đúng không?

Những cái em nói là những dòng nón bên Hoàng gia Anh hay sử dụng, nên trong quá trình mua cũng hơi rườm rà. Ở bên Úc cũng có, thì họ phải đặt lịch hẹn để tới đó mua. Có những cái limited thì mình phải canh, rồi có những cái mua về cũng đâu có đẹp đâu em. Mình phải rủi ro để đạt được cái mình thích. Mấy bạn đừng có ngại trải nghiệm. Khi mà trải nghiệm rồi, bạn có kinh nghiệm, tốt hay xấu gì đó, tất nhiên khi bạn rút được kinh nghiệm thì lần trải nghiệm sau cũng phải tốt hơn chứ. Còn nếu mãi chần chừ không dám, sợ sệt không biết có hợp không thì mãi mãi chỉ là con mắt ngưỡng mộ để bên người khác thôi. Thi thoảng các bạn cũng dành lời khen cho mình, thì thật ra mình cũng trải qua, cũng “đóng tiền ngu” nhiều lắm rồi chứ không phải không.

Em thấy có những bạn ở đây châm trà cho mình, haybây giờ uống rượu chị cũng chuẩn bị luôn một bạn sẽ giúp mình. Chị có thể chia sẻ tại sao chị lại quyết định phải có một người phục vụ như vậy không?

Tại vì bản thân chị khi có rất nhiều buổi tiệc ở nhà, ngoài việc mình tổ chức, sắp xếp những bàn tiệc phù hợp với món ăn, thì về dịch vụ, nhà chị luôn có quản gia và những bạn giúp đỡ giống như vậy. Các bạn đều đã được đào tạo cụ thể theo từng phong cách, từng chủ đề của buổi tiệc, theo số lượng khách mời, theo thời gian, rồi theo cả flow sự kiện, món nào lên rượu gì, thay rượu gì, thay nước, thay đá khi nào. Tất cả đã được chị thiết kế từ rất lâu rồi.

Chị có thể chia sẻ những cảm xúc hay những lời chị muốn nhắn nhủ đến độc giả The Spill Series của Modern Collectible không?

Vậy chị sẽ chia sẻ về những trải nghiệm trở thành một người sưu tầm, cái phong cách sống của mình. Trước hết các bạn phải biết mình là ai, cái mình cần, vị trí của mình, làm những điều mình thích chứ đừng vội copy. Những bộ sưu tập nào bạn không thấy có kết nối với mình thì mình không cần thiết phải chạy theo. Sưu tầm nghệ thuật là bạn phải có kết nối, phải có gắn kết với chính các tác phẩm đó thì hãy sở hữu nó.

Biên tập: Trương Tiểu My