Cheng Bảo Phương, và một lần được “sống trong tác phẩm nghệ thuật”

Bước vào căn hộ của Cheng Bảo Phương, ta bất giác hành xử như đang tham quan một triển lãm nghệ thuật: ngước mắt nhìn mọi thứ, đi thật chậm để ngắm từng tiểu tiết, ngẩn ngơ trước cách ánh sáng hắt lên bức tranh treo tường. Điểm khác biệt duy nhất là tại đây, ta được phép chạm vào “tác phẩm”, thậm chí được tận hưởng, tạo kỷ niệm và sống cùng nghệ thuật đúng nghĩa.

Muốn sống cùng nghệ thuật, ta cần nhiều hơn cái đẹp đơn thuần. Khác với quần áo có thể dễ dàng khoác lên, chụp vài tấm hình rồi cất vào tủ, một căn nhà ăn ảnh mà không tiện nghi thường không mang lại nhiều giá trị. Bản thân Cheng Bảo Phương cũng gọi căn nhà phong cách Chinoiserie này là “nhà giải trí”, một nơi đến để “nâng tinh thần và cảm thấy sang trọng thôi,” nhưng không vì vậy mà cô thiết kế một căn nhà không đáng sống.

Cheng Bảo Phương tận dụng tối đa không gian để khéo léo tạo nên bầu không khí ấm cúng và chào đón. Điều này đến từ quầy trà bánh đặt ngay cạnh cửa ra vào, từ hương nến thơm theo chân gia chủ khắp nơi, từ những viên chocolate nhỏ rải rác khắp các phòng (kể cả phòng tắm!). Căn hộ 3 phòng ngủ nay chỉ còn 1 phòng ngủ, nhường chỗ cho sinh hoạt, giải trí và nuông chiều bản thân cũng như khách thăm nhà. Gian bếp không quá lớn để tiện bề di chuyển xung quanh. Bình minh vừa lên, bữa sáng đã sẵn sàng. Tiệc trà vào buổi chiều, màu hoàng hôn nhuộm vàng cả thành phố dưới chân. Phương kể, vài nhà thiết kế thời trang chọn căn hộ để ra mắt bộ sưu tập mới cho một số người bạn thân thiết nhờ sự thân mật và tính nghệ thuật của nó. Trưng bày ở một góc phòng là bộ sưu tập chén dĩa sứ được nâng cấp và thay đổi thường xuyên, vì Phương không nỡ cất giấu những thứ mình yêu quý trong một nhà kho đâu đó.

Cheng Bảo Phương là một nhà sưu tầm nghệ thuật thực thụ, bởi cô chỉ mang về những thứ cô thực sự thích, thay vì mục đích đầu cơ hay thanh lý. Là người yêu mến và thực hành mỹ thuật, cô ưu tiên những thứ gắn với kỷ niệm, hoặc đến từ cuộc sống và chất xám của mình: “Mua đồ có thương hiệu thì dễ, nhưng có những thứ chỉ tồn tại trong một thời kỳ, một gam màu, được làm bởi đúng những nghệ nhân đó và hợp ý mình, như một khoảnh khắc đã đi qua và sẽ không bao giờ trở lại. Đối với tôi những thứ đó là vô giá.” Vậy nên ta thấy những chiếc túi Hermès Kelly gắn cùng logo thương hiệu Cheng Bảo Phương, chiếc túi vẽ gia đình 3 mẹ con, cặp ly Versace mua 20 năm về trước, cặp bình cắm tulip màu trắng hồng mà mới kịp về 1 chiếc… Mỗi chi tiết trong căn nhà là một câu chuyện, tổng thể tạo thành cuộc đời của Phương và gia đình. “Maximalism hoàn toàn là một sự phơi bày có chọn lọc,” thể hiện bản thân cần nhiều can đảm, và trong trường hợp của Cheng Bảo Phương, xác định được điểm dừng đòi hỏi nhiều bản lĩnh.

Có chừng mực, nên hình dáng và họa tiết trên tường, trên thảm, thậm chí trên trần nhà có thể hòa hợp thành một bức tranh rực rỡ mà mạch lạc, khiến khách thăm nhà không bị nhấn chìm trong màu sắc, Phương cũng có thể tự tay quán xuyến mọi thứ mà không cần người giúp việc. Trên hết, định nghĩa “tối đa” của Cheng Bảo Phương nói về công năng trong mọi công trình, mọi ngôn ngữ thiết kế. Tức là, những ngôi nhà do Phương thực hiện đại diện cho đỉnh cao của sự tiện nghi. Đó không chỉ đơn giản là việc ta có thể với tay rót cho mình một ly nước ở mọi nơi mọi lúc, mà còn dẫn đến hiện thực rằng không đâu bằng nhà. Gia đình Cheng Bảo Phương không có nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng nhiều. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, khi con người chỉ có thể kể chuyện bằng mạng xã hội, hình ảnh cuộc sống hàng ngày của Phương vẫn không có gì đổi khác, dù đó là chuyện bếp núc, dọn dẹp hay giải trí. Đối với Phương, đầu tư vào ngôi nhà đồng nghĩa với việc tăng cường công năng, bố trí không gian hợp lý tùy theo nhu cầu mỗi người, và khi đó, ta sẽ nhận lại những trải nghiệm chính bản thân cũng không ngờ đến

“Khi ở nhà đã có mọi thứ, ta không đi tìm bất cứ thứ gì ở đâu nữa.”

Đến khoảnh khắc này trong cuộc đời, Cheng Bảo Phương đã có thể hoàn thành những gì cô thích, cũng đã chứng minh được nhiều thứ, vậy nên niềm vui lớn nhất đến từ ngôi nhà mà gia đình chung sống. Tư duy thẩm mỹ, tính nam và tính nữ của Phương dường như được chia đều cho hai bé Lúa và Mía. Rõ ràng và nghiêm túc. Điệu đà và mạnh mẽ. Dự liệu những nhu cầu tương lai của gia đình, Phương đã bàn tính đến những căn nhà tiếp theo. Lựa chọn chung cư cao tầng hay nhà mặt đất, chất liệu chủ đạo, phong cảnh ngoài cửa sổ, tất cả đã được phác thảo trong đầu, chỉ đợi đúng thời điểm triển khai.

Vậy nên, căn hộ boutique được đề cập trong bài viết này chỉ là một trong số rất nhiều khía cạnh thẩm mỹ của Cheng Bảo Phương. Điều thú vị nhất ở căn nhà, và có lẽ cũng là điều đáng nể nhất trong tính cách của Phương, chính là sự biến đổi theo mùa, theo lễ hội, theo sở thích, theo thời cuộc. Ta biết căn hộ sở hữu phong cách Chinoiserie và mang tính giải trí cao, nhưng đảm bảo lần kế tiếp bạn trông thấy, nó sẽ sở hữu một diện mạo rất khác; lần nữa, tương tự một triển lãm nghệ thuật.

Nguồn: L’Officiel Việt Nam