Bước đầu đầu tư, kể cả đầu tư nghệ thuật, con người thường có thể dễ bị chi phối nhiều bởi chính tâm lý của mình. Khi bị chi phối bởi tư tưởng và cảm xúc, chắc chắn sẽ có sự ảo tưởng.
Bước đầu đầu tư, kể cả đầu tư nghệ thuật, con người thường có thể dễ bị chi phối nhiều bởi chính tâm lý của mình. Khi bị chi phối bởi tư tưởng và cảm xúc, chắc chắn sẽ có sự ảo tưởng. Bước qua giai đoạn này, các nhà đầu tư thường rút ra bài học rằng cần lý trí hơn, tư duy khoa học hơn, từ đó mà bớt ảo tưởng hơn.
Giới sưu tầm rất đa dạng, có người tay mơ, và có người chuyên nghiệp. Một người chuyên nghiệp không có nghĩa là sưu tầm lâu năm, mà là sự chú tâm đầu tư vào kiến thức, trải nghiệm và có khi có cả một đội ngũ đứng đằng sau tư vấn cho họ. Nhưng dù là hạng nào, thì thông thường, họ sẽ đặt niềm tin vào người họa sĩ, tin tưởng rằng họ đang gởi gắm đúng chỗ, đúng người, mua đúng tranh. Họ hồ hởi về giá trị thăng dư của bức tranh mà họ đầu tư. Hy vọng và tin tưởng về tay nghề họa sĩ là động lực cho họ mua tranh, nhưng đó cũng là con dao hai lưỡi để một lúc nào đó, vì lý do nào đó, họ thất vọng.
Như một nhà sưu tập (giấu tên) chia sẻ: “Cũng như nhiều thú chơi khác, ai cũng chịu phí ‘trải thảm đỏ’ cho những ngày chập chững. Qua giai đoạn này, họ bắt đầu khôn lên và bớt ảo tưởng hơn, tập dần đi đúng hướng. Nhưng cho dù thời nào, xã hội nào, rồi cũng có anh bị vài cú trả giá cho đam mê, ai vấp nhiều thì khôn lên, đỡ ảo tưởng. Nhưng nói gì thì nói, nhờ những nhà sưu tập như thế thì các họa sĩ mới có thể đi tiếp.”
Một nhà sưu tập khác cũng chia sẻ thẳng thắn với tạp chí LUXUO: “Cũng có người có tiền liền ‘xớn xác’ nhảy vô buôn tranh rồi bị một vố kinh hoàng! Người thời nay chuyên nghiệp hơn, khi họ biết tìm hiểu và đầu tư đúng họa sĩ, đi đúng hướng. Chắc chắn nhất là thuê chuyên gia tư vấn. Có một điều tôi quan sát và thấy rằng, không ít nhà sưu tập tranh hiện nay mua tranh theo ‘lỗi tai’. Tức không chịu khách quan tìm hiểu gì cả. Có những người chơi tranh lâu năm nhưng đến một ngày tôi biết sự thật rồi mới thấy thực sự thất vọng!”
Đặc biệt trong thị trường giả – thật lẫn lộn như bây giờ, việc mua tranh không đúng nơi, không đúng người, không đúng một tổ chức uy tín, đều có thể khiến người sưu tầm vỡ mộng. Nhưng ngay cả thế thì sao? Vì thậm chí một nhà đấu giá lừng lẫy như Christie’s cũng từng bị lừa.
Vào cách đây khoảng 10 năm, vụ án Beltracchi gây chấn động giới nghệ thuật toàn cầu. Tài nghệ vẽ tranh giả của Beltracchi cũng phần nào phơi bày mặt trái của cộng đồng mua bán tranh: hàng triệu USD được chi trả cho những tác phẩm rất khó xác minh tính xác thực, nhưng chính hệ thống đó lại đưa ra những phán định sai lầm về giá trị của tác phẩm mỹ thuật. Ông ta chuyên đi vẽ tranh giả của họa sĩ hạng nhì. Các bức tranh của họa sĩ này đã đánh lừa được thậm chí cả các chuyên gia. Bức đầu tiên Beltracchi bán được thông qua Christie’s vào tháng 10/1995 là bức Cô gái với thiên nga, giả mạo một tác phẩm thất lạc của danh họa Heinrich Campendonk. Bằng cách soạn ra một kịch bản tin cậy về nguồn gốc bức tranh, ngay cả giới sành sỏi nhất cũng phải kinh hoàng!
Vậy nên, ảo tưởng vẫn cứ đến với những chuyên gia hay tổ chức uy tín, khi mà sự lừa đảo ngày càng tinh vi và thậm chí có hệ thống.
Một người chơi tranh khác chia sẻ: “Tôi quan sát thấy thị trường nghệ thuật Trung Quốc lên, vì rất chuyên trong chuyện đầu tư, kể cả cho con cái qua các thị trường Mỹ, Âu châu,.. để học cách đầu tư tranh. Vì quan trọng nhất là người Trung Quốc mua tranh Trung Quốc, có như vậy thì thị trường tranh của họ mới mạnh lên.”
Vậy thì, nếu có một lời khuyên thì các nhà sưu tập cũng nên bắt đầu cuộc đầu tư của mình trong thị trường mà mình quen thuộc nhất. Có kiến thức, có trải nghiệm thực, cộng thêm đội ngũ chuyên gia uy tín và thân cận, thì chắc chắn sự ảo tưởng cũng sẽ giảm dần. Nhưng quan trọng nhất vẫn là sẵn sàng đón nhận bất cứ chuyện gì có thể xảy đến.
Theo Luxuo