Trong thời đại con người tiếp cận nghệ thuật trực tuyến nhiều hơn trực tiếp, một nhà phê bình nghệ thuật phải cảm nhận như thế nào? Làm sao để lựa chọn một chủ đề? Làm thế nào để lan tỏa nghệ thuật? Cùng tìm hiểu qua một ngày làm việc (giả thuyết) của một […]
Trong thời đại con người tiếp cận nghệ thuật trực tuyến nhiều hơn trực tiếp, một nhà phê bình nghệ thuật phải cảm nhận như thế nào? Làm sao để lựa chọn một chủ đề? Làm thế nào để lan tỏa nghệ thuật? Cùng tìm hiểu qua một ngày làm việc (giả thuyết) của một nhà phê bình.
Mở mắt, ăn sáng, nghiệm về vai trò bản thân
Một bản vẽ, một bức tượng điêu khắc, một tấm ảnh hoặc một bình gốm mặt trăng… Dù nghệ thuật có mang hình dáng nào, công việc của một nhà phê bình nghệ thuật là đưa ra những phân tích, ý kiến của bản thân về nó. Họ có thể nói về một tác phẩm, một triển lãm, hoặc một nghệ sĩ bất kỳ. Và dù đối tượng độc giả của họ là khán giả đại chúng hay giới chuyên môn, nhà phê bình đang kết nối nghệ thuật với công chúng.
Bên cạnh đó, khi bày tỏ quan điểm đẹp-xấu, vĩ đại-thối tha, nhà phê bình đang tường thuật, không chỉ về gu thẩm mỹ cá nhân, mà còn về toàn cảnh bức tranh nghệ thuật lúc bấy giờ. Và người nghệ sĩ có thể sử dụng ý kiến của nhà phê bình để tham khảo, hoàn thiện tác phẩm bản thân hoặc phớt lờ, hoặc thậm chí chỉ trích ngược lại.
Trong quá khứ, phần lớn công việc của nhà phê bình nghệ thuật có thể được xem là “kiểm định chất lượng nghệ thuật.” Ngày nay, nhà phê bình như một “influencer,” sử dụng tiếng nói để giáo dục, dẫn đường cho cuộc thảo luận, truyền cảm hứng để khán giả tương tác với nghệ thuật, và quan trọng nhất, để khán giả hình thành ý kiến của riêng mình khi đứng trước nghệ thuật.
Bắt tay viết, loay hoay giữa những “thế lực” bên ngoài
Những tưởng nghệ thuật là thứ duy nhất có sức nặng trong một bài viết về nghệ thuật – và nên như vậy – nhưng thật ra, vị trí đó hiện nay thuộc về thị trường. Nghệ thuật đã trở thành món hàng để đầu tư, mua và bán; thị trường cũng là thứ quyết định ai là nghệ sĩ nổi bật, chứ không phải giới phê bình. Nếu bạn viết về đầu tư nghệ thuật, việc đánh giá xấu những nghệ sĩ được nhiều nhà sưu tầm ưu ái như Damien Hirst hay Jeff Koons liệu có hợp lý?
Jerry Saltz, một nhà phê bình nghệ thuật viết cho tạp chí New York, cho biết: “Jeff có thể tiếp tục sáng tác ra những thứ hay ho. Nhưng bạn không cần phải viết về nó đâu. Mấy buổi đấu giá chẳng có nghĩa lý gì cả. Chúng không phải là triển lãm nghệ thuật, mà là trưng bày sản phẩm.” Nếu ý kiến phê bình bị giảm giá trị, nghệ thuật bị đánh giá bằng giá trị hiện kim, nghệ sĩ và giám tuyển còn cách nào khác ngoài việc đi theo thị trường? Phê bình nghệ thuật quan trọng vì nó mang lại ý nghĩa và vị thế cho một tác phẩm mà không chịu áp lực của thị trường.
Nếu bạn có thể tránh xa những thế lực đó và viết về bất cứ thứ gì bạn thích, Jerry phản biện: “Bạn đang viết để được yêu thích, tức là bạn chỉ viết về những buổi triển lãm bạn thích, và tôi không nghĩ đó là điều bình thường, vì mỗi khi chúng ta gặp ai đó ngoài đời thực, họ sẽ bắt đầu bàn về những thứ họ không thích. Nhưng trên mọi nền tảng online, mọi người thích tất cả mọi thứ.”
“Tôi nghĩ phê bình là một cách tôn trọng nghệ thuật. Khi 99% các lời nhận xét đều là tích cực, điều đó chẳng cho thấy sự tôn trọng nào cả.”
Dù vậy, Jerry vẫn cho rằng giới phê bình đang “hồi sức.” Các nhà phê bình đang vực dậy vì họ muốn trở thành bờ vai đáng nương tựa cho nghệ sĩ. Họ muốn nâng nghệ thuật lên, giúp khán giả tiếp cận với những nghệ sĩ đương đại tài năng. “Điều này có đồng nghĩa với việc nhận xét tích cực sẽ tiếp tục tràn lan không? Tình hình thực tế đáng buồn là thế. Nhưng rất nhiều nhà phê bình đang đi theo con đường này, có lẽ đó sẽ là một hướng đi mới – chỉ có sự tích cực mới có thể cắt nghĩa nghệ thuật.”
Ngẩng đầu lên đã giữa chiều, giờ nên làm gì?
Tìm một lớp học về nghệ thuật? Giống như nghệ sĩ luôn phải sẵn sàng cho mọi ý kiến, nhà phê bình cũng vậy. Nên họ cần có kiến thức chuyên môn về nghệ thuật, mọi ý kiến mà họ đưa ra cần được biện luận đầy đủ. Không chỉ một tấm bằng đại học, đôi khi họ cần phải tìm đến những lớp cao học, lớp học bổ sung.
Đứng dậy và đi đến một triển lãm nào đó? Jerry Saltz khuyên rằng, trước nhất, những nhà phê bình trẻ nên viết về nghệ sĩ trẻ, và cứ thoải mái đánh giá thế hệ trước. Bên cạnh đó, ông khuyến khích mọi người tham gia triển lãm, hội chợ nghệ thuật và tất cả mọi thứ, mặc dù ông không hứng thú gì với chúng. “Đó là nơi bạn gặp gỡ người mới, ngủ với họ, tranh cãi với họ, trở thành bạn rồi thành kẻ thù, tuyên bố không bao giờ nói chuyện với nhau nữa, rồi hôm sau hẹn nhau đi cà phê. Đó là sự sống của nghệ thuật.”
Tìm kiếm một chủ đề mới để viết? Đánh giá ý kiến của bản thân? Jerry cho biết việc lựa chọn chủ đề hay nhân vật, đối với ông, giống như chọn quần áo vậy – Viết đúng như cảm giác của mình, dù đó là yêu thích, đau đớn hay khó chịu… “Tôi nài nỉ bạn, hãy đưa ra ý kiến của mình. Viết bằng chất giọng của bạn. Viết đơn giản thôi, ngu ngốc cũng được. Nhớ nhắc đến nghệ sĩ trong 1-2 câu đầu để người ta biết bạn đang viết gì. Xin hãy đi thẳng vào vấn đề. Mọi người muốn biết bạn đang nghĩ gì.”
Ảnh: Galerie Quynh
Cuối cùng, kết thúc một ngày với chút khủng hoảng
Có thể bạn là kiểu người viết xong sẽ không bận tâm nữa, cũng có thể bạn là kiểu người sẽ lướt đọc từng bình luận, tìm kiếm sự đồng cảm hay công nhận, giống như một nghệ sĩ vậy. Có lẽ một ngày bạn cảm thấy thực sự hài lòng với công việc của mình. Những ngày còn lại, bạn sẽ cảm thấy như một kẻ mạo danh. Jerry cũng có một lời khuyên cho những lúc ấy: “Chẳng ai sẵn sàng cho công việc đâu. Tôi vẫn đang vừa học vừa làm. Nhảy nhót trần truồng giữa đám đông – Hồi đó và đến tận bây giờ tôi vẫn cảm thấy vậy.”
Rồi ngày mai thức dậy, bạn có sẵn sàng tiếp tục làm một nhà phê bình nghệ thuật?
Tham khảo: Artnet, Widewalls