Ngô Kim-Khôi: “Trung thực luôn là chỉ tiêu làm việc của tôi”

Từng định cư tại Pháp từ năm 1985 với chuyên môn về tạo mẫu thời trang, Ngô Kim Khôi đã có kinh nghiệm làm việc với nhiều thương hiệu xa xỉ nổi tiếng như Christian Dior, Hermès, Givenchy, Scherrer hay Balenciaga. Từ bỏ vị trí mà nhiều người mơ ước, anh quyết định dành trọn […]

Từng định cư tại Pháp từ năm 1985 với chuyên môn về tạo mẫu thời trang, Ngô Kim Khôi đã có kinh nghiệm làm việc với nhiều thương hiệu xa xỉ nổi tiếng như Christian Dior, Hermès, Givenchy, Scherrer hay Balenciaga. Từ bỏ vị trí mà nhiều người mơ ước, anh quyết định dành trọn thời gian quý báu cho đam mê từ lâu của mình, đó là nghệ thuật.

Ngô Kim-Khôi cùng tranh của họa sĩ Trần Thế Vĩnh

Kế thừa đam mê từ truyền thống yêu hội họa của mẹ và ông ngoại, Ngô Kim Khôi đã trở thành một cái tên uy tín đối với giới nghệ thuật trong và ngoài nước. Anh đã dành hơn 30 năm nghiên cứu về hội họa, tập trung vào hội họa Đông Dương, từ đó cộng tác với Tòa Thị chính Paris, Bảo tàng Cernuschi Paris và Viện Hàn lâm hải ngoại Pháp với tư cách một chuyên gia về lịch sử hội họa Việt Nam.

Trong bài phỏng vấn lần này, hãy theo chân MOCO lắng nghe cách anh Ngô Kim Khôi làm nghề và khám phá góc nhìn sâu sắc về nền hội họa Việt Nam.

Modern Collectible biết đến chú qua các danh xưng: Nhà dựng mẫu, Nhà nghiên cứu Mỹ Thuật, Nhà thẩm định tranh,… Đâu là danh xưng anh muốn bản thân mình được công chúng biết đến nhất?

Ngày xưa, khi còn ở Paris, tôi là modeliste, nôm na là người dựng mẫu. Hiện nay, tôi đã bỏ nghề thời trang để theo đuổi đam mê từ rất lâu của mình là Nghệ thuật, người ta gọi tôi là “nhà nghiên cứu độc lập về Mỹ thuật Việt Nam” (Chercheur Indépendant en Art Vietnamien). Tuy nhiên, danh xưng là gì cũng không quan trọng, miễn là mình có thể làm được những gì bản thân yêu thích. Tôi tự cho rằng mình là một người có hạnh phúc, vì có thể sống với niềm đam mê của mình.

Ngô Kim-Khôi tại Bảo tàng Mỹ thuật

Đã có khi nào bản thân anh hồi tưởng lại những ngày tháng Ngô Kim Khôi “đắm mình” trong vị trí Nhà dựng mẫu không? Nếu được quay trở lại, kỉ niệm nào anh muốn được tái hiện nhất?

Quay ngược thời gian vào năm 1984, lần đầu tiên tôi đặt chân đến kinh đô thời trang Paris với tất cả những bỡ ngỡ lẫn với tràn đầy hoang mang lo sợ. Bản thân mình lúc ấy chẳng khác gì một cây xanh vùng nhiệt đới bị bứng lên trồng vào vùng đất ôn đới hoàn toàn xa lạ, và cách duy nhất để tồn tại là bám víu thật chắc vào vùng đất lạ để thích nghi. Với quyết tâm sinh tồn, trong những tháng ngày lưu vong, tôi bắt chước chim phượng hoàng sống lại từ đống tro tàn của chính mình. Đi tìm việc làm và với vốn liếng ngoại ngữ hạn hẹp, chỉ có thể làm việc tay chân. Chính vì vậy, một người nọ mới khuyên tôi phải có cái nghề như kế sinh nhai. Rồi định mệnh xô đẩy vào con đường may vá, chính nghề thời trang đã chọn lựa chú.

Trong ký ức hơn 30 năm thời trang, kỷ niệm thì nhiều và luôn trân quý, nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là khoảnh khắc tôi mở được cánh cửa chật hẹp để bước chân vào thế giới haute couture tại Paris khi làm việc với nhà Hermès danh tiếng.

Ngoài ra, còn có hai kỷ niệm đáng nhớ khác. Năm 2006, khi làm cho nhà Balenciaga, tôi phải thực hiện một áo cưới với mấy chục loại đăng-ten khác nhau, do Nicolas Ghesquiere vẽ kiểu. Chiếc áo tỉ mỉ, công phu đến nỗi chú phải mất hơn một tuần mới xong. Đó là chiếc áo cưới của minh tinh Nicole Kidman mà khi dựng áo, tôi không hề được biết! Kỷ niệm thứ hai diễn ra trong năm 2008, tôi thực hiện kiểu vẽ do Riccardo Tisci của nhà Givenchy, một chiếc áo choàng (redingote) bằng satin, trang trí với những nếp gấp cầu kỳ, trên tay áo điểm trang đá quý… Đó là áo của nữ hoàng nhạc pop Madonna mặc trong dịp lưu diễn tại châu Âu.

Dù đã có một thời gian cống hiến cho thời trang, vì sao nghệ thuật Đông Dương lại cuốn hút với anh đến như vậy?

Cuộc sống là của mỗi người, ngày tôi quyết định ngừng làm việc trong thế giới thời trang vào năm 2015, tôi cho rằng mình còn khoảng 20 năm để thực hiện những đam mê của mình là hội họa. Hiện nay, tôi không có những nhu cầu xa xỉ nên kiểu gì cũng sống được, nhất là không còn bị nhiều thứ đè nặng nên rất thoải mái. Dành trọn thời gian còn lại chỉ để làm điều mình yêu thích là nghiên cứu mỹ thuật, một cách học hỏi thêm, đây chính là một niềm hạnh phúc không gì đánh đổi được. Công việc này sẽ là mạch ngầm giúp tôi tìm về cội nguồn mà tôi không được gần gũi trước đây.

Ngô Kim-Khôi bên cạnh tranh của Đào Hải Phong

Từ thuở bé, hội họa luôn là niềm đam mê, dường như trong huyết quản chảy một dòng máu nghệ thuật không ngừng nghỉ. Có lẽ cũng nên nói là Mẹ của tôi luôn là người hướng dẫn tôi vào con đường say mê cái đẹp từ tuổi ấu thơ, và tình yêu hội họa cứ thế mà lớn dần lên theo năm tháng. Ông Ngoại của tôi là họa sĩ Nam Sơn, người đồng sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương. Hiện nay một số nhà đấu giá ở Paris vẫn truy tìm tranh của Nam Sơn để đưa vào một số sưu tập tư nhân.

Vừa rồi, tuần san Gazette Drouot dành cho các cuộc đấu giá công khai và thị trường nghệ thuật diễn ra tại trung tâm đấu giá Drouot danh tiếng thế giới đã viết về ông Nam Sơn như sau : “Năm 1925, Victor Tardieu và Nam Sơn đã cùng nhau sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương, nơi sản sinh ra những bậc thầy đáng kinh ngạc trong tương lai, như Lê Phổ, Mai Thứ và Vũ Cao Đàm…, mà chúng tôi vẫn thường dành nhiều trang báo để vinh danh. Vì vậy, thật công bằng và thích đáng khi chúng ta nhìn lại công việc của Nam Sơn, người nghệ sĩ mà nếu không có ông thì cuộc phiêu lưu vĩ đại ấy sẽ không thể thực hiện được“. (Anne Doridou-Heim, “Nguyễn Nam Sơn, một nghệ sĩ khải hiện” / Nguyên Nam Son, un artiste révélé, số ra ngày 23/3/2023).

Trước khi có Trường Mỹ thuật Đông Dương, nền mỹ thuật Việt Nam rất sơ khai, chúng ta chỉ có mỹ thuật phục vụ cho mục đích tôn giáo tín ngưỡng (tranh thờ). Khi Victor Tardieu và Nam Sơn thành lập trường, mỹ thuật Đông Dương, tạo được một nền hội họa vừa Đông vừa Tây mà lại rất Việt Nam, thành một dòng nghệ thuật hoàn toàn khác với nền hội họa Trung Quốc và Nhật Bản. Khi nhìn thấy tranh Đông Dương, người ta biết ngay là tranh Việt.

Hội họa Đông Dương là một dòng chảy hoàn toàn đặc biệt trong thế giới nghệ thuật toàn cầu, đã đưa nền mỹ thuật Việt Nam sánh vai năm châu bốn bể. Thế giới ấy tràn đầy hương sắc và chú cho rằng mình có diễm phúc được đắm chìm trong cảnh quang muôn hồng nghìn tía ấy.

Bản thân anh có đặt giới hạn cho bản thân một độ tuổi để mình “ngồi bất động” trong thế giới nghệ thuật không? Nghĩa là anh vẫn “ngồi” tận hưởng thế giới đó, vẫn yêu thế giới đó, nhưng không có hoạt động nào nữa cả.

Đối với tôi, không bao giờ tôi có thể ngồi bất động trong thế giới nghệ thuật, nhưng tận hưởng thì luôn luôn, vì trong quá trình nghiên cứu đã học hỏi được rất nhiều. Mẹ tôi luôn nói “học hải vô nhai“, bể học thì mênh mông, càng học càng không thấy bến bờ. Tôi sẽ dành cuộc đời còn lại để làm công việc nghiên cứu, nghĩa là tự học. Tôi còn rất nhiều hoài bão cần phải thực hiện, như viết sách về cuộc đời ông Nam Sơn, về trường Mỹ thuật Đông Dương, hay nghiên cứu về một số họa sĩ bị lãng quên như Lê Văn Đệ, Phạm Hữu Khánh, Vũ Đăng Bốn…

Ngô Kim-Khôi và tác phẩm của Trần Nữ Yên Khê

Anh có suy nghĩ gì về buổi đấu giá sắp tới trong bộ sưu tập của Hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc?

Điều đáng lưu ý trong buối đấu giá “Magnificence et Régalité” của nhà Sotheby’s Paris giới thiệu những bức tranh lần đầu công bố, lại có một xuất xứ từ nhà bảo trợ nghệ thuật nổi tiếng – Hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc, hoàn toàn có thể tin cậy. Thông thường, mỗi bức tranh đều có lịch sử của nó, cùng với những câu chuyện chung quanh. Riêng về xuất xứ, kỳ đấu giá này đủ bảo đảm tính chân bản của các tác phẩm, sẽ kích thích lòng yêu tranh của các nhà sưu tập nhiều lần hơn nữa.

Ngoại trừ tên tuổi lừng danh của Lê Phổ và Vũ Cao Đàm, chúng ta có một trường hợp đặc biệt là tác phẩm của Nguyễn Tường Lân, tuy không phải là một bức tranh xuất sắc của ông, nhưng Nguyễn Tường Lân rời cõi thế ở tuổi 40, để lại rất ít sáng tác cho đời, nên tranh của ông, một trong bộ tứ họa sĩ nổi tiếng thời kỳ đầu của nền mỹ thuật Việt Nam (Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn) rất hiếm hoi.

Theo anh, chúng ta xuất hiện rất nhiều những tài năng trẻ mang nhiều phong cách ấn tượng, mới lạ không? Những cái tên nào khiến anh ấn tượng?

Hiện nay, thế hệ họa sĩ đương đại đang cố gắng tìm cho mình một chỗ đứng trước cái bóng Đông Dương quá lớn. Họ cần kinh nghiệm và bề dày sáng tác, nhất là cần một phong cách riêng biệt để không lẫn lộn với những họa sĩ khác, tách mình ra một vị thế đặc biệt để tạo chú ý nhiều hơn.

Một số họa sĩ tôi yêu thích, có lẽ không kể ra hết được, thí dụ Hứa Thanh Bình, Thành Chương…, trẻ hơn nữa có Lê Kinh Tài, Liêu Nguyễn Hướng Dương…

Thế hệ họa sĩ trẻ hơn thì đang tạo xu hướng sáng tác đặc biệt, trộn lẫn chất liệu và phong cách. Các phòng triển lãm nở rộ, nhiều họa sĩ trẻ có năng lực xuất hiện. Có họa sĩ 26 tuổi vừa triển lãm đã được mua hết tranh ngay hôm khai mạc.

Một số nhà đầu tư vẫn muốn đầu tư vào tranh và yêu nghệ thuật, mà tranh Đông Dương hiện nay trở nên quá đắt, nhiều khi không với chạm tới được. Vì vậy, mỹ thuật đương đại chính là sự lựa chọn hợp lý nhất. Đây là tín hiệu tích cực. Tranh đương đại vẫn ở trong tầm với và chúng ta có thể chứng nhận được đó là tranh thật vì họa sĩ còn sống. Trải qua một vài thế hệ sau, đó sẽ là những bức tranh có giá.

Phía người thưởng lãm và thế hệ trẻ, chú nhận thấy họ có sự hứng thú và dành thời giờ đến xem triển lãm. Nhiều gia đình, quán cà phê hay các khách sạn giờ đây không còn treo tranh chép hay tranh bờ hồ. Đó là một điều đáng mừng về mặt nhận thức. Tất nhiên, để thị trường mỹ thuật Việt Nam có thể phát triển và thu hút đầu tư, cần thêm thời gian rất dài và cần nhiều yếu tố khác liên quan đến thị trường (tính thanh khoản, sự minh bạch, cơ chế và cả sự bảo vệ của pháp luật).

Anh nhận thấy thị trường nghệ thuật của Việt Nam so với quốc tế “đã” có điều gì và “chưa” có điều gì?

Thị trường tranh Việt bắt đầu phát triển khi Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời. Bức tranh đầu tiên được triển lãm ở ngoại quốc là Chợ gạo bên sông Hồng của ông Nguyễn Nam Sơn, được Chính phủ Pháp mua vào năm 1930. Cũng từ đây, ta dần dà có những triển lãm lớn. Triển lãm gây tiếng vang nhất trên toàn cầu là triển lãm Thuộc địa vào năm 1931 ở Paris do ông Victor Tardieu đưa một số tranh Việt ra nước ngoài.

Sau năm 1931, liên tục có những triển lãm cho đến khi Trường Mỹ thuật Đông Dương đóng cửa, Việt Nam bước vào thời kỳ chiến tranh. Từ đó, thị trường tranh quốc tế ngày càng vắng bóng tranh Việt, cho đến gần đây, tranh Việt dần trở lại và khai hoa.

Hiện nay, tranh Việt Nam, nhất là tranh thời kỳ Đông Dương, có một vị trí rất đặc biệt trên thị trường quốc tế. Các nhà đấu giá danh tiếng như Sotheby’s hay Christie’s đã đặt sàn đấu giá ở Hồng Kông nhằm thuận tiện cho việc tổ chức các phiên đấu giá dành cho tranh châu Á. Trong đó, tranh Đông Dương luôn chiếm vị trí quan trọng.

Ngô Kim-Khôi chụp cùng tranh của họa sĩ Đỗ Chung

Tuy nhiên, vấn nạn tranh giả đang giết dần giết mòn thị trường tranh Việt Nam, do chính người Việt hại người Việt. Thực tế có những lò giả tranh Đông Dương mà chỉ người Việt mới có thể làm giả.

Vì sao ư? Vì căn tính, tâm hồn và tranh lụa Việt thì người ngoại quốc, kể cả người Trung Quốc cũng không thể bắt chước. Các tranh giả hầu như đều do người Việt vẽ rồi đưa vào các phòng trưng bày thị trường quốc tế như Pháp hay Mỹ. Các nhà sưu tập lại tưởng đó là tranh đã được kiểm chứng. Trong khi đó, mối quan hệ giữa phòng trưng bày, nhà môi giới và người chép tranh rất phức tạp. Nhiều nhà sưu tập mua phải tranh giả nên rụt rè, không muốn rót tiền khiến thị trường không lớn lên được.

Trong khi thị trường mỹ thuật các nước chung quanh chúng ta, trong vùng Đông Nam Á dần dần trưởng thành, thì đối diện với vấn nạn tranh giả, chúng ta vẫn chỉ dừng lại ở tuổi chập chững biết đi. Dĩ nhiên chúng ta không thể đánh giá mỹ thuật qua thương mại, nhưng ảnh hưởng của nó không kém phần quan trọng trong tiếng nói chung đối với quốc tế.

Trong mọi chiến dịch, có một câu nói luôn đúng: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, nhất là trong thế giới nhập nhằng “lập lờ đánh lận con đen” như thị trường tranh hiện nay. Như chúng ta đã biết, chỗ nào có lợi nhuận, chỗ đó sẽ phát sinh gian thương. Vấn nạn tranh giả là vấn đề nhức nhối trên thị trường tranh Việt Nam.

Một tác phẩm lúc nào cũng có lịch sử của nó, nhất là những tác phẩm có tiếng thường để lại những vết tích, như giấy chứng nhận, những bài báo… Càng có nhiều những tài liệu này, tác phẩm càng minh bạch, giá trị vật chất càng cao.

Đâu là những tôn chỉ thiết yếu cho những nhà thẩm định tranh nói chung và của Ngô Kim Khôi nói riêng?

Trung thực, luôn tôn trọng sự thật là chỉ tiêu làm việc. Tôi gặp rất nhiều trường hợp gửi tranh qua Facebook nhờ thẩm định. Nếu là bạn bè thân thiết, tôi có thể nói đôi chút nhưng nếu không quen thì không thể nói. Nó không chỉ là vấn đề tiền bạc mà còn là cả quá trình học hỏi của mình. Hơn nữa, thẩm định tranh cần sự thận trọng và cân nhắc. Nếu nói không đúng, tên tuổi bao năm gầy dựng của mình sẽ theo đó mà mất đi. Xem tranh qua mạng khó lắm. Vì khi giới thiệu tranh, tên tuổi người thẩm định gắn liền với bức tranh, đi kèm danh dự và uy tín của họ.

Nhiều người muốn bán được tranh nên sẵn sàng trả tiền rất cao cho nhà thẩm định để họ khẳng định là tranh thật. Hình thức này còn góp phần giết chết thị trường mỹ thuật nhanh hơn nữa. Số tiền lớn đến mức đủ khiến mình phải suy nghĩ, nhất là khi mình đang muốn có điều kiện để sống thoải mái hơn. Song, tôi luôn từ chối vì tôi đã rời bỏ thời trang để làm mỹ thuật, phải quyết tâm để lại những điều mình học hỏi với hình ảnh tốt nhất cho thế hệ sau.

Tôi còn có nền tảng gia đình, dòng họ. Nếu làm sai sự thật, chạy theo cám dỗ thì không mang lại lợi ích gì cho bản thân và nhất là cho nền mỹ thuật Việt. Đây là vấn đề không phải riêng tôi gặp. Tôi nghĩ đây là điều cần nói ra để có được thị trường minh bạch và bền vững.

Từ khi bắt đầu biết về nghệ thuật cho đến bây giờ, tác phẩm nào đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng anh nhất?

Có rất nhiều tác phẩm đẹp trong nền hội họa Việt Nam, muốn kể ra tác phẩm nào đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhất thì có lẽ hơi khó trả lời. Nếu bắt buộc phải chọn một tác phẩm thì chú xin chọn bức “Chân dung mẹ tôi” của họa sĩ Nam Sơn. Cũng có thể do Nam Sơn là ông ngoại của chú nên thiên vị để lại cho chú ấn tượng mạnh do liên hệ huyết thống mang lại.

Trong tranh, Bà Cố của tôi ngồi một cách uy nghi trên ghế, được diễn tả bằng những nét bút trang trọng và mạnh mẽ. Bà đội mũ khăn và khoác áo theo Phật giáo truyền thống. Quanh cổ là chuỗi tràng hạt, ngực đeo Ngọc bội. Chúng ta nhận thấy sự hiện diện Quyển kinh được bà cầm bằng hai tay, nhẹ nhàng đặt trên đầu gối, chứng minh khoảnh khắc thiền định mà bà đang trải qua. Các ngón tay thể hiện một cách thần tình, tinh tế len vào giữa những trang sách. Bìa quyển kinh mềm mại, vài trang đầu tiên hơi bị cong, chứng tỏ kinh đã được sử dụng nhiều lần. Những ngón tay len vào giữa những trang giấy muốn cho chúng ta hiểu rằng trong khi đang đọc dở dang, bà đã khép kinh sách giữa những ngón tay, để mặc tưởng về một vài đạo lý mà bà vừa cảm nhận. Nhìn chung, không có màu sắc rực rỡ, tất cả hiện lên nét dè dặt, chừng mực, trang nghiêm. Nền tranh màu vàng đất, với nhiều sắc thái, cho chúng ta cảm tưởng đó là một bức tranh đã cũ, cổ kính với thời gian.

Bức tranh “Chân dung mẹ tôi” của hoạ sĩ Nam Sơn – Ảnh: arp-auction

Áo của Bà được vẽ với nhiều sắc xanh khác nhau, trên cùng một gam màu, hiện rõ nét sơn dầu, phương pháp Tây phương, nhưng bố cục của tranh hoàn toàn có nét Đông phương, dưới hình dạng tranh thờ.

Một chi tiết nhỏ trong tranh cho ta thấy Nam Sơn có một sự quan sát tuyệt vời. Song song với biểu hiện trầm tư của khuôn mặt, độ dày màu trắng của đế giày chắc chắn thu hút ánh nhìn cúi xuống, phải chăng đây là sự khéo léo của tác giá, đảm bảo việc người xem tranh sẽ không quên cúi đầu trước mẹ của ông?

Chân dung mẹ tôi” đoạt Huy chương Bạc tại triển lãm 1932 của Hội Nghệ sĩ Pháp, hiện nay là một bức tranh kinh điển của nền hội họa Việt Nam.

Anh hãy gửi một số câu nói tâm đắc về nghệ thuật cho quý độc giả của Modern Collectible nhé?

Đối với người nghệ sĩ đích danh, mọi thứ trong tự nhiên đều đẹp, bởi vì dưới đôi mắt của anh ta, không hề sợ hãi chấp nhận mọi sự thật bên ngoài, dễ dàng cảm nhận tất cả sự thật bên trong, như đối với một cuốn sách mở (Pour l’artiste digne de ce nom, tout est beau dans la nature, parce que ses yeux, acceptant intrépidement toute vérité extérieure, y lisent sans peine, comme à livre ouvert, toute vérité intérieure). Paul Gsell, “Auguste Rodin, trò chuyện về nghệ thuật” (L’Art, entretiens réunis par Paul Gsell), nxb Grasset, Paris 1911, p. 52.

Thiên hướng của người nghệ sĩ là đưa ánh sáng vào trái tim con người (La vocation de l’artiste est d’envoyer la lumière dans le cœur de l’homme / The artist vocation is to send light into the human heart). George Sand (1804 – 1876)

Nghệ thuật là sự lừa gạt đẹp nhất giữa mọi điều dối trá (L’art est la plus belle tromperie de tous / Art is the most beautiful deception of all). Claude Debussy. (1862 – 1918)

Những chia sẻ về con đường nghệ thuật của anh thật sự rất thú vị và chân thật. Cảm ơn anh Ngô Kim Khôi đã dành thời gian quý báu cho bài phỏng vấn!

Ảnh: Lê Siro

Phỏng vấn: Trương Tiểu My