Cùng với Tam Tam – Art Advisor “ngắm nhìn” nét đẹp của Địa Tầng số 0, một triển lãm nổi bật trên đất Hà thành. Từng “chu du” đó đây với đủ mọi khía cạnh nghệ thuật, Tam Tam có đủ ngôn từ cho ta hình dung rõ nét nghệ thuật qua con mắt của […]
Cùng với Tam Tam – Art Advisor “ngắm nhìn” nét đẹp của Địa Tầng số 0, một triển lãm nổi bật trên đất Hà thành. Từng “chu du” đó đây với đủ mọi khía cạnh nghệ thuật, Tam Tam có đủ ngôn từ cho ta hình dung rõ nét nghệ thuật qua con mắt của anh thú vị ra sao.
Có 2 từ để miêu tả cho triển lãm này: lạ lẫm và quen thuộc.
Thực hành nghệ thuật tạo hình ở Việt Nam vô cùng khó. Khó vì điều gì chắc chắn không cần phải kể lê thê ai cũng hiểu. Nhưng ở sự phát triển xã hội nào, nhu cầu lưu trữ giá trị vật thể sẽ luôn đến cho dù sớm hay muộn vì những dấu ấn này dù lớn hay nhỏ đều được hình thành trên mảnh đất quốc gia mà chúng đại diện.
Không những thế, sự quan trọng của một nơi có thể lưu trữ những dấu vết này một cách có hệ thống còn tạo ra sự trao đổi những dòng văn hóa ở bên ngoài. Phải chấp nhận thực tế rằng, Việt Nam không phải là đất nước có nền văn hóa nghệ thuật nổi tiếng và dễ nắm bắt như Hàn, Nhật hay Trung, còn các vết tích xóa bỏ chỉ tồn tại dưới dạng tượng trưng. Đó là một sự thua thiệt ngay trong bối cảnh mà quốc gia láng giềng như Thái Lan đang có mùa Biennale thứ 3 thu hút giới chuyên môn cả khách du lịch vãng lai. Để vượt qua câu hỏi “ở Việt Nam ngoài phở ra còn có gì?” thì chỉ có sự vận động của văn hóa nghệ thuật mới có thể trả lời được.
Và trong buổi sơ khai của sứ mệnh dài hơi này, có thể xem The Outpost như một cơ sở mở đường. Nói như vậy không phải nói rằng ở Việt Nam không tồn tại những cơ sở nghệ thuật khác, nhưng để mà gọi một nơi hội tụ đủ yếu tố, nhân tố và quy mô để vận hành trơn tru một triển lãm thì chỉ có thể là The Outpost.
Chính vì vậy khi đến The Outpost cảm giác rất lạ lẫm vì ở trong hoàn cảnh ở Việt Nam giờ đây là một bảo tàng nghệ thuật đương đại tư nhân không chỉ có gọi trên giấy tờ, mà còn cả tính đương đại trên cả tổng thể cho đến những chi tiết nhỏ nhất. Chứ bình thường ở Việt Nam, tôi chỉ nghĩ đến đi ăn cơm tấm với đi gội đầu dưỡng sinh.
Nhưng lạ lẫm một phần nữa là vì chủ đề kì này mang tính khảo sát đầy đủ về một thế hệ nghệ thuật Việt Nam đầy khiêm nhường nhưng thể hiện được những cái hay của tính đương đại Việt, từ Điềm Phùng Thị là nghệ sĩ lớn tuổi nhất cho đến Phan Thảo Nguyên là trẻ tuổi. Và cuộc khảo sát được team giám tuyển của The Outpost trình bày một cách nhất quán và không khó để theo dõi. Chính bản thân tôi cũng như những người Việt khác cũng đang mong muốn và trong quá trình khám phá nghệ thuật đương đại Việt, cho nên điều này rất quan trọng.
Rất khó để đòi hỏi 1 lứa nghệ sĩ đổi mới từ sau những năm 70 có thể tạo ra những bảng màu nịnh mắt (so với 2 triển lãm đầu mà tôi chưa có dịp) và không dễ dàng gì để cho khán giả đại chúng, đặc biệt là giới trẻ cảm nhận hoàn toàn chủ đề có chiều sâu có phần “khô”, khó nhằn và lạnh. Nhưng xin nhấn mạnh đây là một khảo sát rất cần thiết và chỉn chu mà tôi cảm thấy The Outpost đã làm rất tốt. Không gian ở quy mô vừa phải cùng thiết kế chặt chẽ giúp cho việc chia các tác phẩm theo 3 mạch: Cơ thể như một quang cảnh, Tính thiêng của vật chất và Lịch sử – Những diễn cảnh ẩn mật, được dễ dàng cảm nhận một cách nhất quán về mặt thẩm mỹ và tính đương đại của thế hệ nghệ sĩ Việt trải dài từ 4x cho đến 9x.
Mạch Cơ thể như cảnh quang, các tác phẩm liên kết nhau qua những hành động. Ấn tượng mạnh khi vừa bước vào thấy chiếc kẹp “phụ nữ” của chị Thanh Mai được đặt trang trọng, hào nhoáng trong 1 chiếc bục như thể một món trang sức quý giá. Động tác hoán đổi hoàn cảnh của vật dụng này cũng cho thấy một sự chịu chơi của nghệ sĩ Việt. Sự hào nhoáng của chị Thanh Mai được tiếp bằng các động tác tự thân và suy nghĩ của Quỳnh Giang và Huy An tạo thành 1 tam giác các tác phẩm ý niệm như một cơ thể hoàn chỉnh từ bộ phận sinh sản cho đến suy nghĩ. Phần tiếp theo của cơ thể là phần hồn được thể hiện qua tác phẩm sắp đặt của anh Việt Nam. Tác phẩm ấn tượng ở cách diễn đạt vòm, khi bước vòng quanh tạo cảm giác như bị cuốn vào một dòng chảy có những âm thanh vang vọng có u uất, có tiếng thở than có phần nặng nề, hiệu ứng thị giác tốt nhưng không phải tác phẩm tôi yêu thích.
Sau đó, bước tiếp sang gian tiếp theo được chia bởi đường hầm đi vào được thiết kế ấn tượng theo lối vị lai như phong cách của một chiếc phi thuyền, người xem tham gia 2 mạch còn lại của triển lãm. Gian bên phía này rộng rãi hơn, trần cao hơn, sáng hơn và các tác phẩm ở đây cũng đa dạng hơn cả về hình thức lẫn chất liệu, liên kết với chủ đề của triển lãm. Người xem được đón vào không gian bằng 2 khảo sát khảo cổ chiếc bệ sen của anh Hà Mạnh Thắng. Phong cách vẽ mờ ảo có phần trừu tượng cùng cách xử lí của anh khiến tác phẩm trở thành một ghi chép về một di sản giả tưởng được khai quật lên. Đây là một trong số tác phẩm hiếm hoi có nhiều dấu ấn và quan sát cá nhân nhất so với các tác phẩm khác. Bộ 3 tác phẩm tôi thấy có ấn tượng mạnh tiếp theo là của bác Điềm Phùng Thị, anh Hoàng Dương Cầm và anh Trần Tuấn. Tôi nghĩ rằng 3 tác phẩm này có mạch liên kết rất tốt về ý niệm dựa trên góc độ của lịch sử, khi mỗi tác phẩm đều là một mảnh từ chi tiết được phóng to cho đến tổng hợp hình ảnh sự kiện bằng hội hoạ có phần trừu tượng. 3 tác phẩm còn lại của mạch của Trương Công Tùng, Phi Phi Oanh và Võ An Khánh thì chia sẻ quá nhiều điểm chung về nỗi da diết của dấu vết chiến tranh và hoài niệm một thứ gì đó khá mơ hồ. Đây cũng là 3 tác phẩm tối và lạnh nhất của triển lãm, có người còn bảo chúng tạo cảm giác như bước vào phòng y tế.
Phần cuối cùng và theo tôi cũng là phần hay nhất là của Phan Thảo Nguyên với tác phẩm video 2 kênh. Nghệ sĩ đình đám trên thế giới với chất liệu và cách kể chuyện thêu dệt và đầy tính tưởng tượng. Tác phẩm của Phan Thảo Nguyên kỳ này vẫn giới thiệu được trí tưởng tượng tuyệt vời của nghệ sĩ khi vẫn sử dụng câu chuyện nằm ẩn sâu của xứ Đông Dương mà ít ai để ý tới làm chất liệu. Hai kênh của tác phẩm cho người xem thay phiên luân chuyển góc nhìn và diễn biến của thực tại song song chính bên trong tác phẩm, khiến nó trông rất hấp dẫn và cuốn. Sử dụng các diễn viên trẻ còn tạo nên tương phản giữa cái hung dữ của 1 lịch sử ẩn dật trước đây và tính ngây thơ của chính những diễn viên của thế hệ kế cận. Và cảnh cuối cùng của video được kết thúc bằng màn nhảy múa của các em vô cùng dịu dàng, vô tư và rất nghệ thuật một cách hư cấu đầy sự tích cực.
Và sau khi xem hết triển lãm, cảm giác lạ lẫm không còn nữa mà thay trả lại đó là sự quen thuộc. Cách trình bày giám tuyển các mạch như ở đây không mới, gần đây nhất có triển lãm “Avant l’orage” của Bourse de commerce, bảo tàng đương đại của tỉ phú Francois Pinault về môi trường cũng có cách giám tuyển theo nhiều mạch như vậy và còn chia ra 2 chương, nhưng đó là ở quy mô lớn hơn, khái quát hơn. Còn ở Địa Tầng số 0, bộ sưu tập của The Outpost được giới thiệu ở một mặt khác, khía cạnh khác và chiều sâu khác, không hào nhoáng, có phần lạnh và tối, nhưng cắt nghĩa được thực tế suy tưởng và ý niệm đầy sáng tạo của nghệ sĩ Việt ở giai đoạn này trong cùng chủ đề liên quan đến những gì gắn liền với người Việt.
Ngoài tìm lại được cảm giác thân quen của nền văn hóa và câu chuyện của đất nước mình sinh ra, cảm giác quen thuộc của một cơ sở có đủ tiêu chuẩn quốc tế cũng được tìm thấy. Tôi cũng đã có cơ hội được trao đổi với cơ sở phụ trách làm hệ thống ánh sáng cho The Outpost và hiểu được tâm huyết cũng như sự nghiêm túc của những nhà sáng lập dành cho nghệ thuật. Hệ thống chiếu sáng trong triển lãm vô cùng quan trọng nhưng hoàn cảnh không phải ở cơ sở nghệ thuật nào cũng có đủ khả năng để có thể đầu tư một cách nghiêm túc, nhưng với việc khởi xướng của The Outpost thì chắc chắn những cơ sở nghệ thuật tư nhân sẽ có ví dụ để tham khảo còn lại. Bên cạnh đó, bộ nhận diện và thiết kế tư liệu tham quan triển lãm cũng được làm rất bài bản. Mỗi tờ hướng dẫn cũng có thể xem như một tấm poster có giá trị lưu trữ và sưu tập hay thậm chí là để trang trí. Quan trọng nhất và đáng trân trọng nhất chính là thái độ khiêm nhường của chính bộ sưu tập này. Tôi nghĩ triển lãm này là một bản tuyên ngôn chính thức rất chỉn chu và khiêm nhường cho bộ sưu tập của The Outpost đại diện cho nghệ thuật đương đại sau 2 triển lãm đầu tiên mà tôi nhìn lướt qua thấy vô cùng ấn tượng và hoành tráng. Bản thân tôi là một fan cứng của Ryoji Ikeda.
Điểm đáng tiếc ở triển lãm này là sau khi xem xong, tôi chưa tìm thấy điểm nhen nhóm cho những “địa tầng” tiếp theo hoặc có gì hướng tới một tính đương đại tương lai có phần “sáng” hơn, vì thực tế không thể chối cãi rằng nghệ thuật Việt Nam đa phần bảng màu bị “tối”, nặng tính phê phán và chưa hướng về “văn hóa đại chúng” lắm. Và công trình văn hóa này cần nhiều cơ sở nghệ thuật hơn nữa cùng làm với The Outpost.
Nguồn: Tam Tam